Tiên thiên và Hậu thiên

Học dịch,tiên thiên,hậu thiên,vạn hữu,toàn thể
Học Dịch cũng nên hiểu 2 chữ Tiên Thiên và Hậu Thiên
A. TIÊN THIÊN và HẬU THIÊN có thể hiểu được là TUYỆT ĐỐI (Thái Cực), khi chưa có đất trời hình hiện, và TƯƠNG ĐỐI (Âm Dương), khi đã có đất trời, vạn hữu hình hiện.
B. Nhưng TIÊN THIÊN và HẬU THIÊN còn mang một nghĩa khác:
Ta thấy HÀ ĐỒ và TIÊN THIÊN BÁT QUÁI thuộc TIÊN THIÊN.
HÀ ĐỒ có hình Tròn, theo chiều Thuận, chiều Ngũ Hành tương sinh. TIÊN THIÊN BÁT QUÁI khảo về Âm Dương nhị khí biến thiên.
LẠC THƯ và HẬU THIÊN BÁT QUÁI chủ HẬU THIÊN.
LẠC THƯ có 9 cung, vẽ theo hình Vuông, theo chiều Nghịch, chiều Ngũ Hành Tương Khắc. HẬU THIÊN BÁT QUÁI lụân về sự thăng trầm, vượng tướng của hình hài, phong thái bên ngoài.
HẬU THIÊN là PHÁ THỂ, TIÊN THIÊN là TOÀN THỂ (Ly thay cho Kiền, Khảm thay cho Khôn).
Vì thế, học Dịch cần phải biết từ PHÁ THỂ trở về TOÀN THỂ. Đó là thuyết: Dĩ Khảm Điền Ly, mà sau này ta sẽ có dịp đề cập tới lại.
Hậu Thiên vẽ lại cuộc sống thưc tế của con người, trong cảnh sống hình hài, cụ thể, tiếp xúc với môi trường bên ngoài, trong một thế giới đảo điên, tương đối, tương khắc
Hậu Thiên nương theo mặt trời, tức là nương theo 4 mùa. Ngày thời bắt đầu từ Dần, năm thời bắt đầu bằng mùa Xuân. Chiều buông được đánh dấu bằng vừng dương gác non Đoài, bằng giờ Dậu; cũng như cuộc sống trong nhà được đánh dấu bằng mùa Thu.
Hậu Thiên Bát Quái lấy bằng trục Chấn Đoài, hay trục Đông Tây làm trục đối xứng, lấy Chân Trời, Mặt Đất làm địa bàn hoạt động.

TIÊN THIÊN tượng trưng cho cuộc sống hồn nhiên bên trong, cuộc sống tâm linh. Cuộc sống tâm linh này được tượng trưng bằng HÀ ĐỒ vì HÀ ĐỒ theo Ngũ Hành Tương Sinh, và bằng Tiên Thiên Bát Quái hay Tiên Thiên Lục Thập Tứ Quái.
Vòng Dịch Tiên thiên lấy Tâm Điểm làm Tâm đối xứng, lấy trục TÍ, NGỌ, tức là Trục Trời, Đất làm giới hạn phân Âm Dương. 1/2 Âm phía phải vẽ lại 1/2 đời đầu con người. Khi ấy con người dấn thân vào ngoại cảnh. 1/2 Dương phía Trái vẽ lại 1/2 đời sau con người, vẽ lại hành trình con người càng ngày càng tiến sâu vào nội tâm, để trở về Tâm Điểm, về Thái Cực Nguyên Căn.
Đó cũng chính là La Kinh sống động mà Trời trao cho con người, vì La Kinh hay La Bàn cũng lấy Tâm Điểm Thiên Trì làm Tâm, lấy Kim Châm hay hướng Tí Ngọ làm Kim Chỉ Nam.

Ở nơi con người, thì trục Đông Tây của Hậu Thiên có thể coi như là Hoành Cách Mô, còn trục Tí Ngọ chính là Tuỷ Xương Sống. Tâm Điểm, hay Thiên Tâm, Thiên Trì, Thái Cực chính là ở Tâm Điểm Nê Hoàn Cung.
TIÊN THIÊN chủ KHÍ, HẬU THIÊN chủ HÌNH. Một đằng lo chuyện hình hài, xác thân; một đằng lo chuyện Tâm linh, hồn phách, với mục đích phản bản, hoàn nguyên, siêu phàm, nhập thánh.
TIÊN THIÊN, HẬU THIÊN không vì thế mà xa lìa nhau: Hậu Thiên như vỏ, như áo, hỗ trợ bên ngoài, Tiên Thiên như Tinh, như Hoa hoạt động bên trong. Hai bên hợp lại thành khúc hoà ca tuyệt diệu...